Mùa nước nổi, còn được gọi bằng tên khác là mùa lũ sông Cửu Long. Đây là một hiện tượng lũ lụt tự nhiên, đặc trưng của vùng hạ lưu sông Mekong bao gồm đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam, Biển Hồ và Tonle Sap ở Campuchia. Đối với người dân miền Tây sông nước thì mùa nước lũ tràn về không phải là thiên tai mà là ưu đãi của thiên nhiên ban tặng.
Mùa nước nổi ở miền Tây là tháng mấy?
Cứ mỗi độ tháng 7 – tháng 10 âm lịch hàng năm (tức khoảng tháng 8 – tháng 11 dương lịch), con nước từ thượng nguồn sông Mekong lại đổ về đồng bằng sông Cửa Long, nhất là tại các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Tứ Giác Long Xuyên tạo thành một biển nước. Lúc này những cánh đồng xanh khi xưa đã trở nên mênh mông sóng nước với những khung cảnh vô cùng đẹp đẽ. Đây cũng là mùa bội thu tôm cá với người dân miền Tây quanh năm nhọc nhằn.
Những điểm du lịch nổi bật mùa nước nổi
Rừng Tràm Chim – Đồng Tháp.
Vườn quốc gia Tràm Chim có tổng diện tích hơn 7500 ha là mô hình thu nhỏ đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười, với hệ sinh thái đa dạng, nơi du khách khám phá những nét đặc trưng của miền Tây sông nước.
Mùa nước nổi ở đây bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch (khoảng tháng 9 – 12 dương lịch) là mùa du lịch vườn quốc gia Tràm Chim. Khung cảnh ngập nước, xanh tốt, điểm xuyến sắc hồng của hoa sen, hoa súng bừng nở. Nguồn sản vật trở nên dồi dào và các loài chim như tụ họp về đây dự tiệc.
Rừng tràm Trà Sư – An Giang
Rừng tràm Trà Sư là một khu rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng Tây sông Hậu với diện tích gần 850ha, là nơi trú ngụ và sinh tồn của hàng trăm loại động thực vật khác nhau, trong đó có nhiều loài quý hiếm được ghi vào sách đỏ Việt Nam.
Đến Đây Quý khách được tìm hiểu thêm nhiều cái hay của rừng tràm, được lên Tắc Ráng len lỏi theo con rạch qua lung Sen vào rừng tràm, được lên xuồng ba lá chèo qua các con rạch ngắm khu rừng Giống và các loài chim như: Le Le, Trích Cồ, Cò, Bìm Bịp, Gà Nước… được lên đài quan sát cao 23m ngắm toàn cảnh rừng tràm và từng đàn chim rợp trời về tổ dưới hoàng hôn…
Cần Thơ mùa nước nổi
Để khám phá trọn vẹn Cần Thơ mùa nước nổi, bạn nên di chuyển trên các thuyền, đò dọc các con kênh, rạch hay sông để ngắm cảnh thiên nhiên và cuộc sống của người dân bản địa.
Xa xa, trên mặt nước mênh mông, những chiếc thuyền bé nhỏ neo đậu, thấp thoáng những bông súng nở rộ có màu trắng, hồng đan xen. Thỉnh thoảng, lại xuất hiện vài chiếc xuồng nhỏ hái bông điền điển hết sức bình dị – một đặc trưng của mùa nước nổi miền Tây.
Đây cũng là mùa rộ lên các món đặc sản trứ danh ở miền Tây sông nước. Không chỉ có thịt chuột, cá lóc nướng trui, ốc nướng tiêu… bạn còn có dịp nếm thử hương vị của cá linh – món quà quý của mùa lũ.
Đặc sản Miền Tây mùa nước nổi
Lẩu Cá Linh Bông Điên Điển
Mùa nước nổi về cũng là lúc những cánh đồng miền Tây được nhuộm vàng rực rỡ của bông điên điển. Còn những con cá linh béo tròn, lấp lánh ánh bạc theo dòng nước lũ đổ về trở thành đặc sản làm vang danh ẩm thực vùng sông nước Tây Nam Bộ. Thật thiếu sót, nếu không thử qua hương vị của món lẩu cá linh bông điên điển khi đến với mảnh đất này. Bạn sẽ từ từ cảm nhận vị dân dã của bông điên điển giòn giòn, thơm nhẹ hòa quyện với thịt cá béo ngọt và nước dùng chua thanh, đúng chất hương đồng gió nội.
Bông Súng Mắm Kho
Mỗi mùa nước nổi về, bông súng lên nhanh và nở tím đồng. Mắm đem đi kho có lẽ là cách chế biến đặc trưng của người miền Tây. Mắm kho phải là mắm cá sặc đồng muối trong hũ sành, dỡ ra có màu đỏ thẫm thơm lừng. Hương vị thơm ngon, đậm đà, mộc mạc ấy đã nuôi lớn không biết bao nhiêu người con của vùng đất ấy. Người dùng sẽ được tận hưởng cái giòn giòn của bông súng, mùi thơm của mắm ngào ngạt, vị béo béo của thịt ba rọi, ngòn ngọt của tép đồng và mùi the the của sả, cay cay của ớt làm thành một món ăn bình dân mà tuyệt vời.
Cá Lóc Nướng Trui
Cá lóc cho thịt thơm ngon và săn chắc nhất vào mùa nước nổi. Những con cá lóc đồng được nướng trui kiểu dân dã dậy mùi thơm khó cưỡng. Để có được hương vị chuẩn miền Tây, bạn phải phủ rơm vừa đủ, rơm ít cá sẽ sống còn rơm nhiều quá cá khét, ăn bị đắng. Cá lóc nướng trui ngon nhất khi vừa chín tới, thịt trắng phau được bao bọc bởi lớp vảy cháy xém. Thịt cá lóc ngọt thơm quyện chặt với vị thanh mát của các loại rau sống ăn cùng luôn là món quà ngon mùa nước nổi mang về cho cư dân miền Tây Nam Bộ.
Gỏi bông điên điển trộn tép đồng
Bông điên điển và tép đồng là những thứ thực phẩm rất dễ kiếm ở miền Tây mùa nước nổi. Chèo ghe dọc theo bờ kênh hái nắm bông vàng rực, đặt vó trước nhà chừng nửa buổi là cơm trưa có ngay đĩa gỏi bông điên điển trộn tép đồng ngon tuyệt cực kỳ đưa cơm rồi. Không cần rau thơm hay đậu phộng đi kèm, chỉ nguyên chất với bông điên điển và tép đồng thôi để thưởng thức trọn vẹn cái vị nhẫn nhẫn mà hậu ngòn ngọt lại rất giòn xốp của bông điên điển, vị ngậy ngậy giòn tan của tép đồng rang hoa với vị chua cay mặn ngọt của nước trộn sẽ làm cho món gỏi vừa đẹp vừa ngon.
Chuột đồng nướng
Thịt chuột đồng nướng chấm muối tiêu chanh ăn kèm với rau răm, chuốt chát, dưa leo. Cắn miếng thịt béo ngậy, thơm mềm, lai rai vài ba ly đế để cảm nhận hết sự dân giã trong từng món ăn đặc sản mùa nước nổi miền Tây.
Bạn hãy thử một lần đến với đất miền Tây để trải nghiệm với những thứ dân dã, chân chất mà ở cái “xứ” này rồi bạn sẽ cảm nhận được sự bình yên, giản dị mà giàu lòng hiếu khách của người dân nơi đây dành cho bạn. Và cũng chính nơi đây sẽ cho bạn một trải nghiệm với những điều thú vị và bất ngờ mà thiên nhiên đem lại cho bạn.
» Tham khảo ngay: TOUR DU LỊCH CÀ MAU – RỪNG U MINH HẠ – CỰC NAM CỦA TỔ QUỐC – KHÁM PHÁ TÂY ĐÔ – TRẢI NGHIỆM MỘT NGÀY LÀM NÔNG DÂN 3N3Đ